Hội thảo chương trình hợp tác thể chế đại học (IUC) và kết nối đối tác, chính quyền địa phương
Hội thảo còn có sự tham dự của ông Đàm Trọng Tuấn – Trưởng Đại diện Tổ chức Rikolto Việt Nam; cùng đại diện các Trường ĐH: KU Leuven (Vương quốc Bỉ), Huế, Cần Thơ, Tây Nguyên, Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn và lãnh đạo các Sở: KH&CN, NN&PTNT thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ – Tây Nguyên.
Hội thảo giới thiệu về chương trình IUC, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường đại học tại Việt Nam về công tác điều phối, quản lý và vận hành chương trình IUC hiệu quả, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai chính thức chương trình này vào tháng 9-2022.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ – Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: Chương trình IUC là chương trình hợp tác sâu rộng nhất giữa các trường ĐH vùng Flanders của Vương quốc Bỉ và một trường đại học đối tác ở một nước đang phát triển nhằm nâng cao năng lực, đóng góp hiệu quả nhất vào sự phát triển bền vững dựa trên kinh tế tri thức của địa phương.
Tháng 1/2021, Trường ĐHQN là trường duy nhất ở châu Á được lựa chọn để thực hiện chương trình IUC. Chương trình IUC của Trường có sự tham gia học thuật của 4 trường đại học của Bỉ là Leuven, Hasselt, Ghent, Antwerp và 2 trường cao đẳng gồm HOGent và VIVES. Chương trình có mục đích kép là cải thiện bền vững sinh kế cùng điều kiện sống của cư dân vùng duyên hải Nam Trung bộ – Tây Nguyên và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu của Trường ĐHQN trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, môi trường và năng lượng tái tạo.
Chương trình IUC của Trường ĐHQN, gồm 2 pha chính: Pha 1 (2022 – 2027) và pha 2 (2027 – 2032), được triển khai qua 7 dự án, trong đó có 05 dự án nghiên cứu nhằm cải thiện sinh kế người dân và 02 dự án nhằm nâng cao năng lực của Trường Đại học Quy Nhơn. Cụ thể: Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm nhằm nâng cao khả năng thích ứng của chính quyền địa phương và cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Ứng dụng vật liệu nano và giải pháp kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu suất của hệ thống sây khô dùng năng lượng mặt trời và hệ thống sản xuất khí sinh học; Nâng cao chất lượng và an toàn của bơ và sầu riêng bằng các giải pháp canh tác hiệu quả, bền vững; Nghiên cứu bảo quản sau thu hoạch bằng cách sử dụng các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học để nâng cao giá trị trái cây địa phương; Thiết lập các mô hình đánh giá và quản lý rủi ro cho chuỗi cung ứng trái thanh long ở Bình Thuận và trái táo ở Ninh Thuận; Nâng cao năng lực Trường ĐHQN trong cung cấp dịch vụ điện tử cho sinh viên, e-learning và thư viện; Xây dựng hệ thống quản lý chất thải bền vững tại Trường ĐHQN.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đánh giá chương trình IUC hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển của Trường ĐHQN và chiến lược quốc gia của Việt Nam về tự chủ đại học, quốc tế hóa đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, các sản phẩm và kết quả của chương trình IUC sau 10 năm thực hiện sẽ đóng góp lớn cho sinh kế bền vững của người dân ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung; đồng thời, góp phần nâng cao năng lực, uy tín và thương hiệu của Trường ĐHQN, trách nhiệm phục vụ cồng đồng của các cơ sở giáo dục đại học.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Trường ĐHQN là một trong 05 trường đại học trên toàn thế giới được lựa chọn để triển khai chương trình IUC 10 năm (2022 – 2032) do tổ chức VLIR-UOS tài trợ. Đó là điều vinh dự cho ngôi trường được xem là địa chỉ nghiên cứu, đào tạo đáng tin cậy trong lĩnh vực KH&CN. Do đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trường thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ của chương trình IUC nói chung và các chương trình, dự án khác nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững về mọi mặt của địa phương.