Khảo sát thực tế về tình hình phơi sấy nông sản và sử dụng khí sinh học của bà con nông dân
Với mục đích thực hiện tốt hai nhiệm vụ của dự án số 2 thuộc Chương trình IUC về “ứng dụng vật liệu nano và các giải pháp kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống phơi sấy nông sản và khắc phục những hạn chế của vấn đề biogas”, các thành viên của dự án số 2 đã tổ chức chuyến khảo sát thực tế 3 ngày (27-30/7/2022) nhằm khảo sát thực trạng hệ thống sấy nông sản sau thu hoạch và hệ thống xử lý khí sinh học từ chất thải chăn nuôi của các hộ gia đình. Các thành viên của dự án 2 đã thực hiện khảo sát 6 hợp tác xã nông nghiệp và nhiều hộ gia đình tại 3 huyện: Tuy Phước, Tây Sơn (thuộc tỉnh Bình Định) và Đak Đoa (thuộc tỉnh Gia Lai). Công việc cụ thể của nhóm trong từng ngày như sau:
Ngày thứ nhất: Khảo sát thực trạng phơi sấy lúa sau thu hoạch ở huyện Tuy Phước: Nhóm đã làm việc với Ban lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tuy Phước để thu thập dữ liệu và lấy thông tin chung về hoạt động phơi sấy lúa sau thu hoạch của người dân. Tiếp đó, đoàn đã trực tiếp đến 03 hợp tác xã nông nghiệp của Huyện để nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá thực trạng phơi sấy của các hợp tác xã này. Bên cạnh đó, nhóm cũng đến khảo sát thực trạng phơi sấy lúa của một số gia đình trên địa bàn huyện.
Một số hoạt động của đoàn khảo sát trong ngày khảo sát thứ nhất
Ngày thứ 2: Khảo sát thực trạng vấn đề Biogas ở Huyện Tây Sơn: Đoàn khảo sát đã làm việc với UBND huyện Tây Sơn và đại diện 10 Hợp tác xã về vấn đề sử dụng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi. Đoàn khảo sát đã tham quan 5 nông trại chăn nuôi heo với quy mô lớn và một số hộ gia đình chăn nuôi nhỏ có sử dụng hệ thống khí sinh học. Việc ô nhiễm môi trường từ khí sinh học đang là vấn đề nhức nhối tại địa phương. Nhiều xã trong huyện đã được hỗ trợ xây dựng các hầm khí sinh học từ các dự án trước đây. Một số hệ thống đầu lọc khí sinh học cũng đã được người dân đưa vào sử dụng. Tuy nhiên hiệu quả lọc khí chưa cao, tuổi thọ ngắn (khoảng vài tháng), lọc không hết mùi khí độc từ khí sinh học. Do đó, đa số người dân sử dụng khí sinh học chỉ để nấu thức ăn cho gia súc. Vì quá trình lọc khí chưa tốt nên đa số các bếp ga sử dụng khí sinh học để nấu nướng đều rất nhanh hỏng – khoảng 6 tháng (vì sự ăn mòn kim loại của khí sinh học được lọc chưa tốt). Một số hộ gia đình còn xả khí thải sinh học trực tiếp ra bên ngoài, dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Một số hoạt động của nhóm trong ngày khảo sát thứ 2
Ngày thứ 3: Khảo sát thực trạng phơi sấy nông sản và thực trạng sử dụng khí sinh học ở huyện Dak Doa, tỉnh Gia Lai: Đoàn khảo sát đã thăm và làm việc với Ban lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa – Gia Lai để nắm các số liệu cụ thể về thực trạng phơi sấy các sản phẩm cà phê, hồ tiêu và Mắc Ca trên địa bàn huyện. Tiếp đó, đoàn đã trực tiếp xuống làm việc với nhiều hộ dân tại đây. Toàn huyện có bạt ngàn sản lượng cà phê, hồ tiêu, mắc ca nhưng vấn đề phơi sấy sau thu hoạch còn tự phát, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm chất thải chăn nuôi và mùi khí thải từ biogas cũng rất trầm trọng ở địa phương này.
Một số hoạt động của nhóm trong ngày khảo sát thứ 3
Kết thúc chuyến khảo sát thực tế, các thành viên trong đoàn đã nắm được thực trạng phơi sấy nông sản của các hợp tác xã và hộ gia đình và tình hình sử dụng khí sinh học của người dân. Bên cạnh đó, đoàn cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của chính quyền và người dân địa phương về xử lý chất thải chăn nuôi và sấy khô nông sản sau thu hoạch.
– Về phơi nông sản: Chủ yếu bà con phơi tự nhiên ngoài đường, sân nhà. Một số HTX đã đầu tư hệ thống sấy nhưng còn rất thô sơ, chủ yếu sử dụng chất đốt là than, củi.
– Về khí thải sinh học từ chất thải chăn nuôi: việc lọc khí sinh học chưa được thực hiện tốt, mùi khí thải nồng nặc không những ăn mòn bếp, mái, chuồng trại mà còn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân một cách trầm trọng.