Nâng cao hiệu suất của hệ thống phơi sấy và đầu lọc khí sinh học tại các địa phương

ICT – Nằm trong khuôn khổ Dự án 2 thuộc Chương trình IUC-QNU, ngày 22/3, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp với Ban Điều phối dự án IUC tổ chức hội thảo về “Ứng dụng vật liệu tiên tiến và giải pháp kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu suất của hệ thống phơi sấy và đầu lọc khí sinh học”. 

Toàn cảnh buổi hội thảo

Dọc theo các vùng nông thôn và ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên của Việt Nam, các loại thực phẩm như gạo, hạt cà phê và hải sản thường được làm khô bằng ánh nắng trực tiếp. Phương pháp này có chi phí đầu tư thấp, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ, gió, độ ẩm và năng lượng mặt trời làm cho quy trình sản xuất không đảm bảo an toàn, mang lại hiệu suất thấp. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chăn nuôi, việc sản xuất sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi là cách làm phổ biến nhưng lại gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Dự án 2 trong Chương trình IUC – QNU nhằm giúp nông dân địa phương bằng cách tìm ra các giải pháp thay thế với giá cả phải chăng, áp dụng các sản phẩm khoa học công nghệ đề xuất để cải thiện lợi nhuận và tính bền vững trong các hoạt động chăn nuôi và trồng trọt, từ đó giúp tăng giá trị kinh tế của nông sản địa phương.

GS. Ewald Janssens – Đại học KU Leuven, chủ nhiệm dự án 2 phía Bỉ phát biểu tại hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Minh Vương – Khoa Khoa học tự nhiên, chủ nhiệm dự án 2 (QNU) giới thiệu tổng quan về Dự án số 2 – Chương trình IUC – QNU

GS. Ewald Janssens – Đại học KU Leuven, chủ nhiệm dự án 2 phía Bỉ cho biết: “Đây là buổi hội thảo đầu tiên của dự án 2 thuộc Chương trình IUC-QNU. Trong dự án này, chúng tôi hướng đến việc sử dụng các vật liệu nano mới để giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến việc áp dụng những đổi mới về năng lượng xanh trong trồng trọt và chăn nuôi của người dân địa phương. Sau buổi hội thảo, tôi hy vọng rằng các thành viên trong dự án sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích từ các chuyên gia, để chúng tôi có thể điều chỉnh phương pháp nghiên cứu của mình cho phù hợp hơn với thực tiễn.”

Các báo cáo viên trình bày tham luận về lĩnh vực hệ thống phơi sấy nông sản

Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Đại học KU Leuven (Bỉ), các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương và trong nước, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên QNU thuộc lĩnh vực Khoa học vật liệu và Vật lý chất rắn. Buổi hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, thảo luận những kết quả nghiên cứu bước đầu về các phương án phơi sấy nông sản và ứng dụng vật liệu nano oxit kim loại, nano composite hấp phụ khí H2S trong khí sinh học. Đồng thời, thông qua hội thảo, các chuyên gia cũng tìm hiểu mong muốn, yêu cầu từ người dân địa phương về hệ thống phơi sấy nông sản và đầu lọc khí sinh học.

Các báo cáo viên thuộc lĩnh vực về đầu lọc khí sinh học trình bày tham luận

Đánh giá cao về tính ứng dụng của dự án 2, TS. Nguyễn Hữu Hà – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định mong muốn trong thời gian đến, các dự án cải thiện sinh kế cho người dân thuộc Chương trình IUC – QNU nói riêng và Trường Đại học Quy Nhơn sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, đặc biệt trong việc nghiên cứu khoa học, đồng hành cùng chính quyền địa phương giải quyết những bài toán của thực tiễn đặt ra.

Dự án 2 thuộc Chương trình IUC-QNU là một trong các dự án nhằm cải thiện sinh kế và điều kiện sống cộng đồng dân cư vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên của Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, được triển khai thực hiện trong 10 năm (2022 – 2032). Hiện tại, dự án đang thực hiện giai đoạn 1 của chương trình IUC –  QNU.

 

Tham dự hội thảo có GS. Ewald Janssens – Đại học KU Leuven, chủ nhiệm dự án 2 phía Bỉ, TS. Nguyễn Hữu Hà – Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định, Kỹ sư Lê Quang Thuỷ – Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo, TS. Đoàn Đức Chánh Tín – Viện Công nghệ Nano, Trường ĐHQG TP. HCM, lãnh đạo HTX NN&DV Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai), HTX Nông nghiệp Phước Hưng (Tuy Phước, Bình Định).

Về phía Nhà trường có PGS.TS. Vũ Thị Ngân – Chủ nhiệm Chương trình IUC-QNU, các thành viên dự án 2, lãnh đạo các đơn vị: P.KHCN&HTQT, Viện Khoa học Giáo dục, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên QNU.

Nguồn: https://qnu.edu.vn/vi/tin-tuc-hoat-dong-sinh-vien/nang-cao-hieu-suat-cua-he-thong-phoi-say-va-dau-loc-khi-sinh-hoc-tai-cac-dia-phuong

Để lại Bình Luận