DỰ ÁN SỐ 5 KHẢO SÁT THỰC ĐỊA ĐỂ CHỌN ĐỊA ĐIỂM THÍ ĐIỂM HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CÙNG THAM GIA (PGS) CHO THANH LONG AN TOÀN

Trong khuôn khổ Chương trình IUC-QNU Giai đoạn 1, đoàn công tác của Dự án số 5 do TS. Trương Thị Thanh Phượng làm trưởng đoàn đã thực hiện chuyến khảo sát thực địa tại tỉnh Bình Thuận để tìm hiểu tình hình thực tế và xác định địa điểm triển khai thí điểm Hệ thống Đảm bảo cùng tham gia (Participatory Guarantee System – PGS) cho sản xuất thanh long an toàn tại địa phương. Từ ngày 16/7 đến ngày 18/7, đoàn công tác phối hợp với hai chuyên gia từ Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS) tiến hành khảo sát và đánh giá các điều kiện cơ bản của thị trường, nhận thức về sản xuất an toàn của các tác nhân trong chuỗi cung ứng thanh long và sự ủng hộ của chính quyền địa phương cùng các cơ quan quản lý nhà nước.

Đoàn đã gặp gỡ nông dân tại ba hợp tác xã: Hàm Minh 30, Hàm Cường (huyện Hàm Thuận Nam) và Phú Hội (huyện Hàm Thuận Bắc). Trong các buổi làm việc, hai chuyên gia cùng đoàn công tác đã lắng nghe những chia sẻ nhiệt tình của nông dân trồng thanh long về khó khăn, giải pháp đang thực hiện và mong muốn khi tham gia mô hình thí điểm. Sự hợp tác của nông dân tại đây sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và triển khai mô hình PGS, góp phần phát triển bền vững cây thanh long tại Bình Thuận.

Trao đổi với bà con nông dân
Trao đổi với bà con nông dân
Trao đổi với bà con nông dân
Trao đổi với bà con nông dân

Đoàn công tác cũng đến thăm các vườn thanh long để tìm hiểu thực tế về vị trí, đặc điểm thổ nhưỡng và tình hình canh tác, từ đó chọn lựa địa điểm phù hợp cho việc thí điểm mô hình PGS.

Thăm vùng trồng thanh long
Thăm vùng trồng thanh long
Thăm vùng trồng thanh long
Thăm vùng trồng thanh long

Ngoài ra, đoàn đã gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Thuận Bắc để nắm bắt tình hình kinh doanh, cũng như khảo sát sự quan tâm và mong muốn của họ khi tham gia mô hình này.

Làm việc với doanh nghiệp
Làm việc với doanh nghiệp

Sau chuyến đi, các chuyên gia đã thảo luận với đoàn công tác và lựa chọn được địa điểm phù hợp để thực hiện thí điểm mô hình PGS. Các hoạt động tiếp theo chuyến khảo sát sẽ được Dự án số 5 triển khai trong thời gian tới. Với sự nhiệt tình và quyết tâm của nông dân, cùng sự phối hợp hiệu quả của chính quyền địa phương, mô hình thí điểm PGS được kỳ vọng sẽ đạt được thành công và mang lại nhiều lợi ích cho người trồng thanh long tại địa phương.

Để lại Bình Luận