Dự án số 3 triển khai nghiên cứu đa dạng di truyền sầu riêng tại tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk
Dự án 3 thuộc chương trình Hợp tác thể chế đại học của Trường Đại học Quy Nhơn do VLIR-UOS (Vương quốc Bỉ) tài trợ thực hiện các nghiên cứu nhằm nâng cao tính an toàn và chất lượng bơ và sầu riêng thông qua quản lý bền vững các yếu tố trước khi thu hoạch triển khai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên với khoảng 75.000 ha trồng sầu riêng chiếm 50% diện tích trồng sầu riêng cả nước. Đắk Lắk và Gia Lai là các tỉnh có diện tích canh tác sầu riêng lớn của khu vực và còn lưu giữ nhiều giống sầu riêng địa phương. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu về đa dạng di truyền các giống sầu riêng về hình thái và di truyền phân tử còn hạn chế. Do đó nhóm nghiên cứu Dự án số 3 đã và đang khảo sát, thu mẫu, phân tích đặc điểm hình thái và di truyền phân tử của các giống sầu riêng nhằm đánh giá tính đa dạng và xây dựng bản đồ di truyền phục vụ công tác bảo tồn và chọn giống sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên.
Từ ngày 15 đến 17 tháng 9 năm 2023, TS. Bùi Hồng Hải – chủ nhiệm Dự án số 3 và TS. Nguyễn Thanh Liêm thực hiện chuyến công tác tại huyện Chư Sê và huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã thu thập được 24 mẫu lá Sầu riêng của các giống bản địa và giống thương mại như Dona, Ri6 và Musang King.
Với sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở huyện Krông Pắc, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, bà con nông hộ và cựu sinh viên, nhóm nghiên cứu gồm TS. Bùi Hồng Hải, ThS. Hồ Tân và NCS. Tô Thị Bích Ngọc đã khảo sát, thu mẫu lá cây sầu riêng từ ngày 21 đến 24 tháng 9 năm 2023. Nhóm nghiên cứu đã thu thập được 36 mẫu các giống sầu riêng như Dona, Ri6, Musang King, Chín Hóa và một số giống bản địa.
Các mẫu lá sầu riêng thu thập từ tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk được tách chiết DNA, nhân gen nhờ kỹ thuật PCR và giải trình tự gen tại phòng thí nghiệm Horticell, Khoa Khoa học kỹ thuật Sinh học, Đại học Ghent, Bỉ.
Kết quả ban đầu cho thấy vật liệu di truyền của các mẫu sầu riêng thu thập khác nhau mặc dù theo bà con nông dân các mẫu cùng một giống. Thông tin từ điều tra cho thấy rằng: các mẫu sầu riêng thương mại thu thập được nhân giống bằng phương pháp ghép cành mà gốc ghép sử dụng từ hạt không rõ nguồn gốc còn cành ghép sử dụng từ nhiều nguồn khác nhau tạo nên sự đa dạng vật liệu di truyền.
Để tiếp tục đánh giá tính đa dạng về mặt hình thái của các giống sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên, từ ngày 15 đến 19 tháng 7 năm 2024, nhóm nghiên cứu tiến hành thu mẫu lá và quả của các cây sầu riêng đã thu mẫu năm 2023 tại tỉnh Gia Lai.
Từ ngày 22 đến 26 tháng 7 năm 2024, Đoàn công tác gồm TS. Bùi Hồng Hải, ThS. Phan Hoài Vỹ, ThS. Hồ Tân, NCS Tô Thị Bích Ngọc, NCS. Nguyễn Bá Nghị đã thu mẫu lá và quả của 36 cây sầu riêng thuộc các giống khác nhau tại huyện Krông Năng, huyện Krông Pắc và thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Hơn nữa, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu mẫu lá từ các cây đầu dòng các giống Dona, Ri6, Musang King với sự giúp đỡ và hỗ trợ của công ty Dona Techco và Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) để đánh giá so sánh đa dạng di truyền phân tử của các giống sầu riêng sầu riêng.
Kết quả nghiên cứu ban đầu cung cấp dữ liệu quan trọng về đa dạng hình thái và di truyền phân tử của các giống sầu riêng thương mại cùng các giống sầu riêng địa phương từ đó phụ vụ công tác nghiên cứu bảo tồn và chọn tạo giống.