Dự án số 3 triển khai nghiên cứu các tác nhân gây bệnh trên cây sầu riêng tại tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk

Trong khuôn khổ chương trình Hợp tác thể chế đại học của Trường Đại học Quy Nhơn do VLIR-UOS (Bỉ) tài trợ, gọi tắt là Chương trình IUC-QNU Giai đoạn 1, Dự án số 3 thực hiện các nghiên cứu tập trung vào cải thiện tính an toàn và chất lượng của bơ và sầu riêng bằng cách quản lý bền vững các yếu tố trước khi thu hoạch đối với cây Bơ và Sầu riêng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Việt Nam. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất và chất lượng quả cây sầu riêng đó chính là các loại bệnh như nứt thân xì mủ, thối thân, thối rễ, chết ngược… Nhóm nghiên cứu Dự án số 3 đã và đang tập trung điều tra, khảo sát, thu mẫu, nuôi cấy, phân lập và phân tích định danh các loài vi sinh vật gây ra những loại bệnh nêu trên. Từ đó đề xuất các biện pháp phòng, trừ hiệu quả bệnh trên cây sầu riêng cho người dân tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên.

Từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 03 năm 2024, nhóm nghiên cứu gồm TS. Huỳnh Thị Thanh Trà, ThS. Hồ Tân, NCS. Nguyễn Bá Nghị đã có chuyến công tác tại huyện Chư Sê và huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai để tiến hành thu thập hơn 100 mẫu bệnh, phỏng vấn các hộ canh tác sầu riêng trên địa bàn về tình hình sâu bệnh hại và các phương pháp phòng, trừ đang được áp dụng tại vườn.

TS. Huỳnh Thị Thanh Trà và NCS. Nguyễn Bá Nghị (Trường Đại học Quy Nhơn), anh Nguyễn Thanh Sang (cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Păh), anh Nguyễn Bá Phương (Trưởng thôn thôn 6, xã Nghĩa Hưng) thu mẫu tại vườn sầu riêng ở xã Nghĩa Hưng, ngày 9/3/2024.

Các mẫu bệnh thu thập tại Gia Lai đã được nuôi cấy, phân lập và định danh tại phòng thí nghiệm Bệnh học thực vật, Khoa Khoa học kỹ thuật Sinh học, Đại học Gent, Bỉ. Bước đầu nhóm nghiên cứu đã định danh được một số loài nấm bệnh có khả năng là nguyên nhân gây nên các bệnh hại trên cây sầu riêng tại khu vực huyện Chư Sê và Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

NCS. Nguyễn Bá Nghị thực hiện nuôi cấy, phân lập và định danh các vi sinh vật trên các mẫu bệnh được thu thập tại tỉnh Gia Lai, tại phòng thí nghiệm Sinh học phân tử, Khoa Khoa học kỹ thuật sinh học, Đại học Gent, Bỉ.

Từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 9 năm 2024, nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện công tác điều tra, khảo sát, phỏng vẫn và thu mẫu tại địa bàn huyện huyện Krông Pắc và huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk để đánh giá tình hình bệnh và so sánh với các khu vực canh tác sầu riêng khác nhau.

TS. Huỳnh Thị Thanh Trà, NCS. Nguyễn Bá Nghị phỏng vấn, thu mẫu bệnh tại nông hộ Nguyễn Văn Hiệu ở xã Hòa An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, ngày 6/9/2024.

Để nắm bắt được tình hình sâu bệnh hại trên cây sầu riêng khu vực Tây Nguyên, Giáo sư Monica Höfte, Khoa Khoa học kỹ thuật Sinh học, Đại học Gent, Bỉ – thành viên Dự án số 3 phía Bỉ đã có chuyến công tác tại Trường Đại học Quy Nhơn từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 5 tháng 10 năm 2024. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Giáo sư Monica Höfte đã thực hiện chuyến khảo sát thực địa và trao đổi với cơ quan chức năng tại tỉnh Đắk Lắk từ ngày 01 đến ngày 3 tháng 10 năm 2024. Đoàn công tác cùng Giáo sư Monica đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo và các cán bộ chuyên trách của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk. Thông qua buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thống nhất phối hợp, hỗ trợ triển khai các hoạt động của Dự án số 3 trên địa bản tỉnh.

Lãnh đạo Sở NN và PTNT và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk làm việc với Đoàn công tác tại phòng họp Chi cục, ngày 02/10/2024.

Đoàn công tác cùng Giáo sư Monica Höfte đã thăm, trao đổi và thu mẫu tại một số vườn sầu riêng của các nông hộ ở huyện Krông Pắc và huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Các nông hộ đều hỗ trợ các hoạt động của Dự án số 3 và mong muốn triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất.

Anh Nguyễn Đức Huy (chuyên viên Phòng NN và PTNT huyện Krông Pắc) và nhóm nghiên cứu đang thu thập mẫu bệnh tại vườn sầu riêng của nông hộ Huỳnh Văn Oanh ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk ngày 02/10/2024
Anh Y Nék Buôn Krông (chuyên viên Phòng NN và PTNT huyện Krông Năng) hỗ trợ đoàn công tác thu mẫu tại nông hộ Hồ Đức Huy ở xã Ea Púk, huyện Krông Năng ngày 03/10/2024

Với sự hỗ trợ của các cơ quan và chính quyền địa phương, từ kết quả các chuyến công tác và hoạt động nghiên cứu trong năm 2024, nhóm nghiên cứu bước đầu nắm bắt được tình hình sâu bệnh hại, nhận diện được một số vi sinh vật có khả năng gây bệnh trên cây sầu riêng từ đó thiết kế các thí nghiệm và xây dựng các nghiên cứu tiếp theo hướng tới mục tiêu tìm ra những giải pháp phòng trừ an toàn, hiệu quả các bệnh trên cây sầu riêng thuộc khu vực Tây Nguyên.

Để lại Bình Luận