DỰ ÁN 5 TỔ CHỨC TẬP HUẤN VỀ HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CÙNG THAM GIA VÀ CÔNG CỤ LINK TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HÀM THUẬN NAM, TỈNH BÌNH THUẬN
Trong tháng 11 và tháng 12 năm 2024, Đoàn công tác của Dự án 5 thuộc Chương trình IUC-QNU do TS. Trương Thị Thanh Phượng (Trưởng đoàn) đã tổ chức tập huấn cho các đại diện nông hộ tại Hợp tác xã Sản Xuất và Dịch Vụ Thanh Long Hàm Minh 30, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận về nội dung, phương pháp vận hành hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) và cách vận dụng công cụ LINK trong mô hình kinh doanh bao trùm đối với thanh long an toàn và hữu cơ trên địa bàn.
Tham gia lớp tập huấn có 28 thành viên gồm giám đốc HTX Thanh Long Hàm Minh 30, các cán bộ thuộc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và các hộ nông dân trồng thanh long trên địa bàn huyện cùng 8 thành viên đoàn công tác của Dự án 5.
Thông qua các bài giảng được thực hiện bởi các chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ (CODAS), người tham gia được tiếp cận các kiến thức về hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) và cách vận dụng công cụ LINK trong mô hình kinh doanh bao trùm. Bước đầu đã hình thành các nhóm cơ bản để áp dụng PGS cho cây thanh long trên địa bàn; xây dựng cơ cấu tổ chức của PGS; xác định vai trò chức năng của từng bộ phận và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên đồng thời xây dựng cơ bản các công cụ vận hành PGS. Tiếp đến, các hộ nông dân cũng được cung cấp kiến thức và thực hành phân tích chuỗi giá trị sản phẩm thanh long, mô hình kinh doanh hiện hành của hộ trong đó đặc biệt xác định các bên liên quan, phân tích thông số về khoản thu, khoản chi, lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của hộ. Qua đó, các hộ nông dân đã thấy được bức tranh toàn cảnh về hoạt động sản xuất kinh doanh thanh long của mình và nhận diện được điểm mạnh, các vấn đề còn tồn tại, tìm hiểu nguyên nhân của những tồn tại và đề xuất các giải pháp cải tiến hiện trạng kinh doanh hiệu quả hơn như giải pháp để giảm chi phí sản xuất thông qua thay đổi cơ cấu vật tư nông nghiệp, thời điểm chong đèn cho thanh long hay các giải pháp tăng doanh thu như chiến lược lựa chọn thời điểm canh tác, phát triển kênh bán hàng, đa dạng hóa sản phẩm cung ứng. Tiếp đến, các nhóm cũng thống nhất kế hoạch hành động trong thời gian tới để đảm bảo vận hành thành công mô hình PGS như đã được đồng thuận giữa các bên liên quan.
Đoàn công tác cũng đi tham quan cơ sở sản xuất rượu vang thanh long và các rượu vang từ trái cây khác của một học viên trong lớp (Công ty TNHH Ánh Hồng Phúc tại thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh). Cũng trong thời gian này, các nhóm hộ nông dân đã thực hành thanh tra và phản biện chéo giữa các nhóm thanh tra. Từ đó, các nhóm đã hiểu rõ về hoạt động thanh tra, giám sát để đáp ứng quy trình cấp giấy chứng nhận PGS đối với cây thanh long. Đây là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo được sự thành công của mô hình đảm bảo chất lượng có sự tham gia của các bên liên quan PGS trong tương lai.
Cô Lê Phương Chi – Giám đốc Hợp tác xã Hàm Minh 30 cho biết: “Bản thân tui cảm thấy rất hài lòng qua hai đợt tập huấn. Tui và bà con nông dân được các thầy cô chia sẻ kiến thức về PGS, công cụ LINK và thực hành với trường hợp sản xuất thanh long của chúng tôi. Các thầy cô thân thiện, nhiệt tình, truyền đạt dễ hiểu, có mấy hoạt động nhóm rất vui và thực tế. Bà con rất hào hứng khi tham gia lớp học. Tôi hi vọng rằng mô hình PGS sẽ áp dụng thành công với cây thanh long hữu cơ tại các hộ dân thuộc HTX Hàm Minh 30, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận”.
Kết thúc đợt tập huấn, Đoàn công tác của Dự án 5 sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo tạo nền tảng, hỗ trợ vận hành hệ thống PGS cũng như vận dụng công cụ LINK cho các hộ nông dân trồng thanh long hữu cơ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.