QNU phối hợp tổ chức hội thảo Hệ thống đảm bảo cùng tham gia tại tỉnh Bình Thuận

IUC – Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam tổ chức Hội thảo Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) và Phương pháp vận dụng vào sản xuất thanh long an toàn và hữu cơ tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

 

Ngày 16/10, tại Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao huyện, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã tổ chức Hội thảo Hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS và Phương pháp vận dụng vào sản xuất thanh long an toàn và hữu cơ tại huyện Hàm Thuận Nam. Tham dự chương trình có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh; lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam; các chuyên gia đến từ Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (CODAS), các thành viên Dự án 5, dự án nghiên cứu các phương pháp đánh giá và quản lý rủi ro cho chuỗi cung ứng thanh long và trái táo, thuộc Chương trình hợp tác thể chế đại học Giai đoạn 1 của Trường Đại học Quy Nhơn; cùng 40 đại biểu là đại diện các Doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác thanh long trong và ngoài huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

TS. Trương Thị Thanh Phượng – Chủ nhiệm Dự án 5 giới thiệu về nội dung nghiên cứu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được các cơ quan chuyên môn, nhà nghiên cứu chia sẻ về những thuận lợi, thách thức của Chuỗi cung ứng thanh long tỉnh Bình Thuận và huyện Hàm Thuận Nam; nhận diện và đánh giá các nhóm rủi ro đối với hộ nông dân trồng thanh long tại Bình Thuận; khả năng tiếp cận thanh long an toàn và hữu cơ của người tiêu dùng; làm rõ về khái niệm, sự hình thành, phát triển hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS trên thế giới và Việt Nam, lợi ích và điều kiện triển khai thành công hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS; giới thiệu về bộ công cụ LINK nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là mô hình kinh doanh cho người sản xuất quy mô nhỏ.

Đoàn chuyên gia thuộc Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (CODAS).

Giám đốc các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Trung tâm KT và DV Nông nghiệp trình bày tham luận.
NCS. Nguyễn Thị Thuỳ Dung trình bày kết quả nghiên cứu.

Thông qua Hội thảo, các hợp tác xã trồng thanh long đã được cập nhật, nắm bắt nhiều kiến thức bổ ích để đáp ứng vào điều kiện sản xuất của mình nhằm tăng giá trị sản phẩm với chi phí thấp, tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Từ đó, tập trung vào sản xuất thanh long an toàn và hữu cơ, tạo sự phát triển hiệu quả, bền vững cho cây thanh long huyện Hàm Thuận Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Để lại Bình Luận